Nhiều người dân xem tất cả các loại rác – bao gồm thực phẩm thừa, rau củ quả hư hỏng, chai nhựa, giấy, vật dụng hỏng… đều được bỏ chung một túi/ thùng rác mà không cần biết trong số rác thải sinh hoạt hàng ngày cũng có những loại rác có thể đưa vào tái chế và phục vụ cho cuộc sống con người. Việc tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Đặc biệt, với lượng hữu cơ lớn trong rác thải sinh hoạt (ước tính khoảng 50 – 70%), đây sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân vi sinh, một loại phân rất tốt cho cây trồng và thân thiện với môi trường. Công tác phân loại rác thải tại nguồn là việc làm hết sức cần thiết, nó sẽ làm giảm tải trọng chất thải rắn đổ về các khu tập trung chôn lấp rác, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý và thu được nguồn lợi kinh tế lớn từ các rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được.
Phương pháp phân loại rác tại nguồn:
Rác thải sinh hoạt trước khi được đưa đi xử lý, cần được phân loại ngay tại hộ gia đình. Cách nhận biết như sau:
– Rác hữu cơ: là các chất thải có nguồn gốc động vật hoặc thực vật dễ phân hủy, thối rữa trong điều kiện tự nhiên sinh ra mùi hôi thối như: các loại thức ăn thừa, rau củ quả hư hỏng, vỏ trái cây, lá cây, tôm, cá, thịt….
– Rác vô cơ: là những chất thải không có khả năng phân hủy trong điều kiện tự nhiên hoặc có thể phân hủy nhưng cần thời gian rất lâu, bao gồm:
+ Rác vô cơ có thể tái chế: là các loại rác có thể sử dụng lại nhiều lần trực tiếp hoặc chế biến lại như: giấy, bìa carton, kim loại (khung sắt, máy tàu hỏng,…), các loại nhựa….
+ Rác vô cơ không tái chế: là chất thải rắn vô cơ không có khả năng sử dụng hoặc chế biến lại như thủy tinh (chai thủy tinh, cốc vỡ…), quần áo cũ, xương động vật, vỏ sò, vỏ trứng…
– Rác thải nguy hại: bao gồm các loại hóa chất dễ gây phản ứng, độc hại, chất thải sinh học thối rữa, các chất dễ cháy, nổ hoặc các chất phóng xạ, các chất thải nhiễm khuẩn lây lan…có nguy cơ đe dọa tới sức khỏe con người, động vật và cây cỏ.
Đối với rác thải từ hộ gia đình, rác thải nguy hại có thể là: sơn, thuốc trừ sâu (thuốc bảo vệ thực vật), dầu nhớt, mỹ phẩm, sản phẩm tẩy rửa, chất tẩy rửa, pin, dung môi, bóng đèn thải bỏ…
Phương pháp thu gom rác:
Thực hiện việc phân loại rác từ việc tại mỗi hộ gia đình đều phải có các loại túi đựng rác riêng biệt cho rác hữu cơ, rác vô cơ có thể tái chế, rác vô cơ không tái chế và rác thải nguy hại. Từ đó các công tác thu gom vận chuyển dễ dàng:
– Thu gom rác hữu cơ: Thu gom riêng vào vật dụng chứa rác để tận dụng làm phân bón hữu cơ tại gia đình.
-Thu gom rác vô cơ tái chế: Rác tái chế được tách riêng và đựng trong túi nilon hoặc túi vải để bán lại cho cơ sở tái chế, bán phế liệu sản xuất thành hạt nhựa hoặc có thể đốt để thu nhiệt lượng.
– Thu gom rác vô cơ không tái chế và rác thải nguy hại: các thành phần rác không có khả năng tái chế sẽ được thu gom, đựng trong dụng cụ chứa rác tại gia đình và xe chuyên dụng đến vận chuyển đưa đi xử lý tại các khu xử lý rác thải tập trung theo quy định.
Việc phân loại rác thải vừa mang lại lợi ích bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên, hơn hết chính là giảm được nguồn rác thải ra môi trường. Nếu các gia đình luôn có ý thức phân loại rác thải sẽ mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch hơn. Vì môi trường xanh – sạch – đẹp mỗi người dân và mỗi hộ gia đình hãy thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.