Hôm nay, tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Văn hóa ứng xử học đường, do trung tâm sách pháp luật phối hớp với NXB Hồng Đức xuất bản năm 2022. Sách dày 400 trang được tác giả Tăng Bình - Ái Phương hệ thống, tổng hợp.
Nội dung cuốn sách gồm có 9 phần:
Phần thứ nhất: Văn hóa ứng xử đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người học, cha mẹ người học trong các cơ sở giáo dục
Phần thứ hai: Ứng xử của giáo viên với học sinh phù hợp
Phần thứ ba: Giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường
Phần thứ tư: Tiêu chí về chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông
Phần thứ năm: Kỹ năng làm việc nhóm
Phần thứ sáu: Kỹ năng quản lý và sử dụng thời gian
Phần thứ bảy: Kỹ năng giáo tiếp hành chính.
Phần thứ tám: Vận dụng phong cách ứng xử của chủ tịch Hồ Chí Minh
Phần thứ chín: Văn bản pháp luật liên quan
Ở trang đầu tiên của cuốn sách là bộ quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục theo thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 4 năm 2019 của Bộ GD - ĐT. Sách nêu cụ thể cách ứng xử cũng như những hành vi mà cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên và học sinh không được làm.
Ở bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, sách không chỉ đề cập đến những nguyên tắc ứng xử cơ bản chung trong gia đình người Việt Nam mà còn chỉ ra cụ thể cách ứng xử trong quan hệ vợ chồng, quan hệ giữa cha mẹ với con cái, giữa các anh chị em trong gia đình như thế nào để có một gia đình hạnh phúc.
Sách Văn hóa ứng xử học đường dạy cho học sinh chúng ta kiến thức về những kỹ năng cần thiết cho bản thân như kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng ứng phó với những căng thẳng, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn....bởi kỹ năng sống không đơn thuần chỉ là cách ứng phó với những thử thách mà còn là nhân cách của học sinh, là tình thân ái và cách ứng xử văn hoá.
Trong phần vận dụng phong cách ứng xử của chủ tịch Hồ Chí Minh tác giả đã chỉ ra tính nhân văn, nhân bản trong văn hóa ứng xử của Hồ Chí Minh. Thái độ yêu thương, quý mến, trân trọng con người được xem là nét chủ đạo trong triết lý nhân văn của Người. Trong các cuộc tiếp xúc, Người thường xuyên khiêm tốn, không bao giờ đặt mình cao hơn người khác mà luôn hòa nhã, quan tâm đến những người xung quanh. Câu chuyện “nước nóng, nước nguội”là một trong những cách thể hiện ứng xử đó của Bác.
Văn hóa ứng xử là biểu hiện giá trị nhân văn, là phản ánh “trình độ người” trong quan hệ cộng đồng xã hội. Để tìm hiểu một cách toàn diện hơn về các quy tắc văn hóa ứng xử, kính mời quý thầy cô giáo cùng các em học sinh hãy tìm đọc quyển sách “Văn hóa ứng xử học đường”.