Hùng Vương thứ mười bảy có một người con nuôi tên là Mai An Tiêm, tính tình lại ngay thẳng và có tài tháo vát hơn người. Vì thế, An Tiêm được vua cha rất yêu quý, thường ban thưởng cho nhiều đồ vật quý hiếm.
Các quan trong triều thường hay xum xêu, nịnh nọt để được Hùng vương ban thưởng cho thật nhiều bổng lộc của triều đình. Nhưng An Tiêm thì ngược lại, chàng chỉ muốn được đi lên từ chính đôi bàn tay và sức lao động của mình, vì thế những bổng lộc vua cha ban cho, chàng không để tâm đến nhiều.
Do tính cách ngay thẳng hay nói thật, nên nhiều khi An Tiêm làm mất lòng một số quan lại trong triều, chúng luôn tìm kiếm cơ hội để hãm hại chàng. Khi thấy có dịp ra tay, một số kẻ đã dâng lời xàm tấu với vua Hùng, nói rằng An Tiêm không biết trân quý những bổng lộc của nhà vua ban thưởng và có ý xem thường các thứ ấy.
Nhà vua nghe những lời dèm pha chưa rõ thực hư ra sao, nhưng giận lắm, bảo:
– Được rồi! Đã thế để cho nó sống bằng chính đôi bàn tay ấy, xem cả nhà có chết đói không!
Nói là làm, nhà vua liền sai quân lính đưa vợ chồng An Tiêm xuống thuyền, không cho mang theo gì hết. An Tiêm xin mãi mới được mang theo một thanh kiếm bên mình để phòng thân.
Thuyền đưa gia đình Mai An Tiêm đến một hòn đảo hoang vắng, chưa từng có người đặt chân đến. Theo lệnh của vua, quân lính để lại cho gia đình An Tiêm một tuần lương thực, rồi nhổ neo trở về. Vợ chồng An Tiêm nhìn theo bóng thuyền khuất dần, trong lòng cảm thấy lo lắng vô cùng.
Vợ An Tiêm ôm con khóc nức nở, nàng giận nhà vua nghe lời xàm tấu, đẩy gia đình nàng vào cảnh ngộ khó khăn như thế này. Nhìn hòn đảo hoang vu, nàng lại càng cảm thấy hãi hùng, rồi sẽ ra sao ở đây.
Mai An Tiêm chỉ khẽ thở dài. Chàng không dám nói gì vì sợ làm vợ con thêm phần lo lắng. Với bản lĩnh của một người chủ gia đình cùng với ý chí tự lập được rèn luyện từ bé, chàng tin mình có thể cùng gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tuy nhiên, chàng biết con đường phía trước không hề dễ dàng gì, sẽ cần rất nhiều mồ hôi và công sức để có thể sinh tồn nơi hoang đảo.
Những ngày đầu sống trên đảo thật như một cơn ác mộng đối với cả gia đình Mai An Tiêm. Chàng tìm được một hang đáng nhỏ để vợ con ở tránh mưa gió cũng như những con thú nguy hiểm. Sau đó một mình cầm gươm đi thăm dò hòn đảo. Đi quanh đảo, chả có thứ gì ăn được ngoài mấy thứ quả chua chát và vài loại rau dại ngăm ngăm đắng.
Khi đã hết lương thực dự trữ, vợ chồng lặn ra biển mò ngao, đôi khi may mắn bắt được con cá cải thiện. Đứa con lớn được An Tiêm dạy làm nỏ và bẫy đánh chim, thỉnh thoảng cũng bắt được đôi con mang về. Tuy nhiên, thức ăn chính của gia đình vẫn chỉ là những loại rau quả dại trên đảo, được chàng gieo trồng và chăm sóc cẩn thận.
Cuộc sống của cả gia đình cứ tạm bợ trước những khó khăn chồng chất nhưng sau rồi cũng trở nên quen thuộc và dần ổn định.
Một hôm, An Tiêm cầm nỏ đi săn thì thấy một con chim đang ăn ngoài bãi. Thấy động, chim bay đi, bỏ lại một miếng mồi đo đỏ. Thấy lạ, An Tiêm cầm lên xem. Chàng đoán là một loại quả gì đấy. Nghĩ chim ăn được thì người cũng ăn được, chàng liền nếm thử. Vừa đưa vào miệng, mắt chàng bỗng sáng lên vì vị ngọt mát của miếng trái cây lạ.
Chàng ăn một cách ngon lành và cẩn thận nhặt từng hạt gói lại mang về hang. Sau đó dùng gươm xới đất lên và gieo những hạt lạ ấy xuống. Công việc xong xuôi, An Tiêm kể lại chuyện cho vợ con nghe, và căn dặn cả nhà phải chú ý tưới nước và chăm sóc cẩn thận sau khi hạt nảy mầm.
Sau một thời gian, cả nhà hồi hộp chờ đợi, hạt nảy mầm, đâm hoa, kết trái. Ban đầu quả chỉ bằng đầu ngón tay, ít lâu sau đã như con chuột, rồi bằng cái niêu cơm. An Tiêm không biết khi thì mới hái quả được.
Qua mấy hôm, chợt có tiếng chim kêu inh ỏi ngoài bãi, An Tiêm thấy lạ vội chạy ra xem. Đàn chim thấy người đến vội đập cánh bay lên. Mấy quả lạ An Tiêm trồng bị chim đục cho vài lỗ. An Tiêm vội xua đàn chim đi rồi cắt mấy trái mang về.
Khi chàng bổ quả ấy ra, cả nhà ngạc nhiên vì màu đỏ bên trong của quả. Hai đứa con nhìn thấy thèm nhỏ dãi. An Tiên lấy kiếm cắt cho mỗi người một miếng. Bốn người sung sướng nhìn nhau thưởng thức trái cây lạ trồng được với niềm hạnh phúc vô bờ. Tất cả đều khen ngợi cái vị thanh ngọt của bên trong quả lạ ấy.
Nhờ đàn chim, Mai An Tiêm đã biết quả nào thu hoạch được. Chàng cùng gia đình ra bãi chọn những quả có vỏ màu xanh sẫm cắt về, đồng thời cắt cử người ở lại trông chừng đàn chim.
Từ đấy, cả gia đình cùng nhau nhân giống trái cây lạ ấy, mỗi một mầm xanh nhú lên là biết bao nhiêu mồ hôi công sức ở trong đấy, nhưng cũng là nguồn lương thực được yêu thích nhất của cả nhà. Bốn người hết lòng chăm sóc, nhờ vậy cây ngày càng đậu sai, quả to hơn, cùi mỏng lại và vị thơm ngọt hơn trước.
Cứ mỗi lần thu hoạch, Mai An Tiêm lại khắc tên mình vào mấy quả lạ ấy rồi thả ra biển với hy vọng một ngày nào đó có ai vớt được và tìm ra mình.
Có biết bao nhiêu quả đã được thả xuống biển nhưng vẫn biệt tăm nhưng An Tiêm vẫn không ngã lòng mà bỏ đi niềm hy vọng mong manh của mình. Và sự cố gắng ấy đã được đền đáp, một ngày nọ có một chiếc thuyền buôn ghé vào đảo để tìm hiểu xem ai đã trồng được giống quả quý như vậy. Kể từ đó, gia đình An Tiêm đổi thứ quả này lấy các vật dụng thiết yếu trong cuộc sống ở trên đất liền.
Về phần vua Hùng, sau khi đuổi gia đình An Tiêm ra hoang đảo cũng có phần day dứt, đôi khi nghĩ đến đứa con nuôi cũng cảm thấy có chút chạnh lòng, bùi ngùi thương hại. Nhà vua nghĩ rằng có lẽ vợ chồng An Tiêm đã chết đói trên đảo từ lâu. Đến một hôm, có một thị thần dâng lên nhà vua trái lạ đó. Hùng Vương thấy ngon miệng, bèn hỏi về nguồn gốc của loại quả này. Lúc đấy mới biết là của Mai An Tiêm trồng ngoài đảo xa xôi.
Vua Hùng lấy làm hối hận, liền sai người giong thuyền ra đón gia đình An Tiêm về.
Gia đình An Tiêm mừng rỡ, vội chạy ra thu hoạch vụ mùa của mình mang về đất liền. Họ cũng không quên mang thật nhiều hạt giống tốt về phân phát cho mọi người trồng thứ quả quý này. Kể từ đó, thứ quả lạ ấy xuất hiện trên khắp cả nước ta, được nhiều người yêu thích do có vị ngọt dìu dịu và man mát.
Mọi người đặt tên cho nó là quả dưa hấu.
Tương truyền rằng, ở Việt Nam có huyện Nga Sơn (phía bắc Thanh Hóa) là trồng được giống dưa hấu ngon hơn cả, vì theo mọi người kể lại, nơi ấy xưa kia là hòn đảo mà Mai An Tiêm đã ở, trải qua hàng nghìn năm bồi đắp nên ngày nay đã liền vào với đất.
Sự tích quả dưa hấu (hay truyện sự tích Mai An Tiêm)
– Truyện dân gian Việt Nam –