Ngày xưa có một ông vua cùng quan tể tướng vi hành ra ngoài thành chơi. Qua một chiếc cầu, hai người gặp một ông lão bộ dạng thảm thương, lại mù cả hai mắt, chìa tay xin tiền. Thương tình, vua đặt vào tay ông lão một đồng tiền vàng và toan rảo bước đi ngay nhưng lão ăn mày đã nắm chặt tay nhà vua và bảo:
– Xin ngài tát cho tôi một cái vào má rồi hãy đi.
Nhà vua không thể chiều theo ý muốn kì quái của ông lão, toan bỏ đi thì lão đã đưa cả hai tay nắm riết lấy áo ngài, cầu khẩn:
– Xin ngài hãy thương tôi mà tát cho tôi một cái. Nếu ngài biết tội lỗi của tôi, dám chắc rằng ngài sẽ cho cái hình phạt này đối với tôi hãy còn là rất nhẹ.
Chẳng muốn mất thì giờ, nhà vua đành phải tát vào má ông lão. Bấy giờ, ông lão mới chịu bỏ tay ra, cảm ơn rối rít.
Đi mấy bước, vua bảo tể tướng:
– Ta đoán ông già mù kia có nỗi khổ tâm gì đây. Vậy ngươi hãy quay lại, dặn lão đến trưa mai vào cung hầu chuyện ta.
Trưa hôm sau, ông lão mù được tể tướng dẫn vào chầu vua. Vua phán:
– Ngươi hãy nói cho ta biết tại sao ngươi lại xin ăn kì khôi như vậy.
Ông lão không dám trái lệnh vua, bèn kể:
– Tâu bệ hạ, thảo dân vốn là một nhà buôn giàu có, chủ nhân của một đoàn lạc đà chở hàng hóa có tới chín mươi con.
Một hôm, sau khi bán hàng trở về, thảo dân bỗng gặp một đạo sĩ. Nhân tiện tới bữa, thảo dân mời đạo sĩ cùng ăn. Chúng thảo dân nói hết chuyện gần xa lại nói tới chuyện làm giàu. Đạo sĩ bảo ông ta biết một nơi có vô vàn của cải, dùng chín mươi con lạc đà của thảo dân vị tất đã khuân được một phần nhỏ. Cái tin này làm cho thảo nhân vô cùng ngạc nhiên, vui sướng. Thảo dân bảo đạo sĩ rằng: “Ngài hãy mách cho tôi biết nơi đó rồi tôi sẽ làm quà cho ngài một con lạc đà của tôi”.
Một con lạc đà để trả cái ơn to như thế thì quả là quá ít. Nhưng khốn nỗi, lúc ấy lòng tham tự nhiên nổi lên khiến thảo dân không còn biết thế nào là phải trái nữa.
Đạo sĩ muốn được nửa số lạc đà và của cải. Ông ta bảo chỉ một con lạc đà chất đầy báu vật của ông cũng đủ mua cả triệu con lạc đà này. Tuy biết rằng đạo sĩ làm vậy là phải nhưng cái ý nghĩ có một người thứ hai cũng giàu bằng mình khiến thảo dân khổ tâm vô cùng. Nhưng cuối cùng thì thảo dân cũng đành phải ưng theo đạo sĩ.
Chúng thần đi đến một nơi vô cùng hiểm trở. Tới một ngọn núi cao nhất, đạo sĩ dừng lại, lấy đá châm lửa đốt rồi làm lầm rầm khấn vái. Tức thì một đám khói đen cuồn cuộn bốc lên. Đạo sĩ gạt đám khói, tự nhiên bức tường núi đá mở toang ra. Phía trong hiện lên một tòa lâu đài vô cùng tráng lệ, vàng bạc, châu báu xếp cao chất ngất từ dưới đất lên đến tận trần. Chúng thần nhặt đầy ắp các bao tải, chất lặc lè lên lưng chính mươi con lạc đà.
Trước khi đi đóng cửa lâu đài, thảo dân để ý thấy đạo sĩ nhặt một chiếc hộp con rồi bỏ ngay cái hộp vào trong túi.
Sau đó, chúng thần chia nhau lạc đà rồi mỗi người đi một ngả.
Đi được mấy bước, tự nhiên lòng tham nổi lên xâm chiếm lòng thảo dân. Thảo dân nghĩ đạo sĩ cần gì bốn mươi nhăm con lạc đà với của cải chất trên lưng chúng. Ông ta là chủ khi báu kia mà. Nghĩ vậy, thảo dân chạy theo đạo sĩ, lớn tiếng gọi. Đạo sĩ dừng lại. Thảo dân đến gần ông ta, bảo: “Ngài phải chăm 45 con lạc đà sẽ vô cùng cực nhọc. Chi bằng ngài hãy nhường lại 15 con cho tôi.”
Đạo sĩ đáp: “Bác nói có lí đấy! Vậy bác cứ lấy thêm 15 con nữa đi”.
Thảo dân không ngờ đạo sĩ dễ tính như vậy nên lại ngọt ngào bảo: “Đạo sĩ hãy bớt cho tôi 10 con lạc đà nữa đi. Đấy là tôi thành thực khuyên ngài, đừng tưởng tôi tham lam nhá!”
Nghe nói, đạo sĩ lại bằng lòng. Không biết xấu hổ, thảo dân lại cất lời cầu xin thêm 10 con lạc đà nữa. Đạo sĩ lại tươi cười đồng ý. Thảo dân sung sướng quá, bá lấy cổ ông ta hôn lấy hôn để: “Đạo sĩ sẽ làm cho tôi vui mừng khôn tả nếu ngài cho nốt tôi 10 con lạc đà còn lại kia”.
Không lưỡng lự, đạo sĩ lại bằng lòng. Rồi ông ta dịu dàng bảo: “Tôi vui lòng biếu bác tất cả số lạc đà của tôi. Nhưng bác hãy nhớ ông Trời có thể ban cho ta sự giàu có, cũng có thể làm ta khánh kiệt. Vậy bác nên tiêu đồng tiền cho phải lẽ và phải luôn cứu giúp những người nghèo khó.
Lúc bây giờ thảo dân đâu còn để tai đến những lời khuyên quý hóa đó. Thảo dân còn đương tính cách làm thế nào để chiếm nốt được cái hộp mà đạo sĩ lấy được ban nãy. Thế là, trước khi đạo sĩ lên đường, thảo dân lại dịu dàng nói: “Đạo sĩ ơi! Ngài hãy cho tôi nốt cái hộp nhỏ đi!!”.
Lần này, đạo sĩ nhất định từ chối. Thảo dân ngạc nhiên: mấy lần trước ông ta đều cho dễ dàng như thế cơ mà! Vậy thì chắc chắn là cái hộp chứa một bí mật kì lạ. Thảo dân định bụng nếu xin lần nữa mà không được thì thảo dân sẽ dùng võ lực lấy cho kì được cái hộp mới thôi. May mắn thay, đạo sĩ lại bằng lòng đưa nốt cho thảo dân cái hộp.
Thảo dân mở nắp hộp ra, thấy trong hộp chỉ chứa một thứ thuốc bột. Đạo sĩ bảo: “Thứ thuốc bột này nếu bôi vào mắt trái sẽ làm cho ta trông thấy tất cả vàng bạc, châu báu quý giá giấu trong lòng đất, nhưng nếu bôi vào mắt phải thì lập tức sẽ mù ngay”.
Thảo dân bèn nhờ đạo sĩ bôi thử thức thuốc bột kì lạ đó. Đạo sĩ lấy tay miết thuốc lên mi mắt thảo dân. Thuốc vừa ngấm, thảo dân đã nhìn tới tận trung tâm trái đất: Chao ôi, kim cương, vàng bạc châu báu sáng lóa, nhiều vô kể. Muốn nhìn thấy nhiều vàng bạc hơn, thảo dân lại đòi đạo sĩ bôi thuốc vào mắt bên phải cho thảo dân.
Đạo sĩ nhất định không làm theo ý thảo dân. Càng thấy đạo sĩ từ chối, thảo dân càng nài nỉ. Thảo dân thề với đạo sĩ dù thế nào cũng không oán trách ông.
Đạo sĩ ngăn thế nào cũng không được, đành miết thuốc bột lên mi mắt phải của thảo dân. Thuốc vừa ngấm, hai mắt thảo dân bỗng dưng không nhìn thấy gì nữa. Tất cả là một màn đêm đen kịt. Thảo dân rối rít cầu xin đạo sĩ cứu vớt thảo dân đã quá dại không nghe lời ông.
Đạo sĩ đáp: “Bác đã để cho lòng tham lam mờ ám lương tâm. Ta không có thuốc nào chữa cho bác khỏi mù. Thôi, bác hãy cầu xin Thượng đế, may người có thương tình chăng. Còn của cải thì bây giờ ta sẽ đem cho người khác xứng đáng hơn”.
Cả ngày hôm đó, thảo dân lang thang đờ đẫn, khổ sở quá chừng. Mãi đến tối, thảo dân mới gặp được một đoàn người ngựa. Họ thương tình sắt thảo dân trở về.
Than ôi! Con đương ở một địa vị tột bậc giàu sang bỗng dưng mù lòa, lại phải ngửa tay xin ăn. Thảo dân tự đặt ra cho mình một hình phạt: bất cứ ai cho thảo dân tiền, thảo dân cũng xin người ấy tát thảo dân một cái.
Ông lão mù nói xong, đức vua phán:
– Tội ngươi tuy to thật nhưng ngươi đã biết hối lỗi, tự đặt ra hình phạt cho mình. Thôi từ nay ngươi đừng làm thế nữa. Ta thương nhà ngươi già nua tuổi tác còn phải ăn xin, vậy ta sẽ ban cho ngươi 50 lạng vàng.
Ông lão ăn xin vội quỳ rạp xuống cảm ơn, tung hô vạn tuế, rồi hớn hở theo tên lính hầu ra về cùng với số tiền vua ban.
– Theo Nguyễn Văn Nghiêm
Nguồn: Truyện đọc lớp 4, trang 127, NXB Giáo dục – 2021