Một người cha cùng đứa con nhỏ đi trên đường mòn ở trong rừng. Bốn bề im ắng. Chỉ nghe đâu đó từ phía xa vọng lại tiếng chim gõ kiến và tiếng suối rì rào giữa rừng lá. Bỗng đứa con nhìn thấy một bà cụ đang chống gậy đi tới.
– Cha ơi! Bà cụ đi đâu đấy? – Đứa con hỏi.
– Đi thăm, đi đón, hoặc đi tiễn một người nào đó. – Người cha trả lời. – Người cha dặn thêm:
– Khi gặp bà cụ, chúng ta sẽ nói với cụ: “Chào cụ ạ!”.
– Vì sao phải nói với cụ thế hở cha? – Đứa bé ngạc nhiên hỏi lại. – Chúng ta có quen biết gì bà cụ đâu?
– Khi gặp bà cụ, chúng ta sẽ nói: “Chào cụ ạ!”, và con sẽ hiểu nói vậy để làm gì.
Bà cụ đã hiện ra trước mặt.
– Chào cụ ạ! – Đứa con nói.
– Chào cụ ạ! – Người cha nói.
– Chào ông, chào cháu! – Bà cụ nói và mỉm cười.
Đứa con nhìn với vẻ sửng sốt: mọi vật ở xung quanh như đang thay đổi. Mặt trời rực rỡ. Trên cành cây cao gió lướt nhẹ nhàng. Những chiếc lá rung rinh đùa giỡ. Chú bé cảm thấy vui sướng trong lòng.
– Vì sao lại như thế nhỉ? – Đứa con hỏi.
– Vì chúng ta đã chào bà cụ và bà cụ đã mỉm cười.
Lời chào có một tác dụng kì lạ, nó đã khơi dậy những tình cảm tin cậy, gần gũi lẫn nhau giữa người với người. Nó làm cho tâm hồn người rộng mở.
Câu chuyện “Lời chào”
Theo Sukhomlynsky