Ngày xưa ở xã Nam Mẫu (thuộc tỉnh Bắc Kạn) vào những ngày đầu năm hay mở hội cầu Phật. Mọi người nô nức kéo nhau đi xem hội cũng như thắp hương cầu khấn những điều tốt lành và ăn chay niệm Phật.
Giữa không khí náo nhiệt ấy, có một bà cụ ăn xin xuất hiện, ăn mặc rách rưới, quần áo hôi hám, bẩn thỉu. Bà cụ cầm chiếc nón mê giơ ra khắp bốn phía xin ăn bằng một giọng nói thều thào, yếu ớt:
– Xin làm ơn làm phúc cho tôi mấy đồng, tôi đói lắm các ông các bà ơi!
Nhưng mọi người còn đang bận chơi hội, hay làm những công việc thiện khác như phóng sinh chim, cá, v.v… và thắp hương khấn Phật, chả ai để ý đến bà cụ đói rách ấy cả.
Bà đi đến đâu cũng bị xua đuổi, lảng tránh. Người ta ghê tởm vì thấy một bà già lở loét, hôi hám đến gần xin ăn. Bọn hương lý liền sai mấy anh tuần phu đuổi mụ ra khỏi lễ hội. Bà cụ van nài không được, còn bị bọn chúng dùng roi đánh đuổi ra khỏi hội.
Bà cụ đáng thương lê bước ra khỏi đám hội. Đói quá, cụ lại đành phải cầm chiếc nón rách tả tơi đi vào xóm, đi từng nhà khất thực. Nhưng cũng giống như ở đám hội, chủ nhà khi nhìn thấy bà cụ đều đóng sầm cửa vào, xua đi. Một số kẻ còn nhẫn tâm thả chó ra đuổi bà cụ.
Đang trong lúc tuyệt vọng, thì bà gặp được hai mẹ con nhà nọ đi làm về. Thấy bà cụ tội nghiệp, bà mẹ bèn dẫn về nhà, lấy tạm cơm nguội và làm chút thức ăn để bà ăn cho lại sức.
Bà cụ cảm ơn hai mẹ con lắm, rồi lại tiếp tục đi lang thang ra ngoài đường, đến từng nhà hành khất.
Người mẹ nhìn theo bà, nói với con:
– Thật đáng thương cho bà cụ! Ngần này tuổi rồi vẫn phải vất vả mưu sinh kiếm sống!
Đêm hôm ấy, bà cụ lại tiếp tục gõ cửa từng nhà trong xóm xin ngủ nhờ, nhưng nhà nào cũng cấm cửa không cho bà vào. Bà lão thở dài, lại trở về gõ cửa ngôi nhà của hai mẹ con xin ngủ. Người mẹ sai con đi dọn cơm cho bà cụ ăn, còn mình thì đi chuẩn bị chỗ ngủ cho bà.
Đến giữa đêm khuya, hai mẹ con nhìn thấy chỗ bà cụ nằm sáng rực lên. Không thấy bà cụ lở lớt đâu nữa mà thay vào đó là một con giao long to lớn đang cuộn mình nằm ngủ, đầu gác lên xà nhà, đuôi thò xuống đất.
Hai mẹ con kinh hãi, rụng rời chân tay không kêu lên được tiếng nào, đành trùm chăn kín mít, phó mặc cho số phận.
Sáng hôm sau, không thấy con giao long đâu cả, bà cụ đã tỉnh dậy, chuẩn bị lên đường. Trước khi đi, bà nói:
– Hai mẹ con nhà chị là người tốt, sẽ được trời phù hộ. Những kẻ mang tiếng thờ Phật mà lại không có tình người xứng đáng phải chịu cảnh trầm luân. Vùng này sắp có lụt lội, chị hãy cầm lấy gói tro này và rắc xung quanh nhà, chúng sẽ giúp chị thoát được kiếp nạn. Hãy nhớ nội trong đêm nay không được ra khỏi nhà, hoặc nếu có đi thì dẫn nhau lên đỉnh núi cao để tranh.
Người mẹ biết đây không phải bà cụ bình thường, mà do con giao long hóa phép thành. Vốn bản chất lương thiện, bà liền hỏi bà cụ:
– Vậy bà có cách nào để cứu được mọi người khỏi kiếp nạn này không?
Bà cụ suy nghĩ một lát rồi nhặt lấy một hạt thóc, tách vỏ ra làm đôi, đưa cho hai mẹ con, rồi nói:
– Hai vỏ trấu này sẽ giúp mẹ con nhà chị làm việc thiện.
Nói xong bà cụ biến mất. Hai mẹ con lo lắng nhìn nhau, vội vàng rắc tro xung quanh nhà. Họ cũng không quên chạy đi báo cho những người quanh đấy, nhưng ai nghe xong câu chuyện không cười phá lên thì cũng bảo hai mẹ con đặt điều xằng bậy.
Quả nhiên, tối hôm ấy, khi mỏi người còn đang mải làm lễ bái thần phật thì tự dưng có một cột nước lớn phun từ dưới đất lên. Nước phun xối xả càng lúc càng mạnh. Chỉ trong chớp mắt đã ngập đến đầu gối. Lúc này mọi người mới hốt hoảng chen nhau tìm đường thoát thân. Những đồ cúng lễ, hương khói bị vứt lại la liệt, chìm nổi trôi theo dòng nước.
Rồi chẳng mấy chốc, nhà cửa và cây cối đều nghỉm. Duy chỉ có ngôi nhà của hai mẹ con được rắc tro xung quanh là vẫn luôn dâng cao hơn mặt nước.
Cảm thấy xót xa trước cảnh người người bị nước lũ nhấn chìm, hai mẹ con nhớ đền lời bà cụ dặn, liền thả hai mảnh trấu bà cụ cho xuống nước. Ngay lập tức hai vỏ trấu biến thành hai chiếc thuyền. Hai mẹ con không suy nghĩ nhiều, đội mưa đội gió chèo đi cứu những người bị mắc nạn.
Chỗ đất bị sụt xuống đấy ngày nay người ta gọi là hồ Ba Bể, còn nền nhà của hai mẹ con nổi lên trở thành một hòn đảo nhỏ trong hồ. Người dân gọi là gò Bà Gáo (đảo Bà Góa)
Câu chuyện Sự tích hồ Ba Bể
– Truyện truyền thuyết Việt Nam –