Ngày xửa ngày xưa, ở xứ Mường Bi xuất hiện một đôi vợ chồng cao lớn khác thường. Họ đứng cao hơn năm lần đỉnh núi cao nhất. Người Mường hay gọi họ là ông Đùng, bà Đùng, nghĩa là ông bà khổng lổ.
Hồi ấy, đất thì cao thấp, lồi lõm. Cây cối hoang dại mọc chằng chịt. Nước thì chảy từ lòng đất, ngập lênh láng khắp nơi. Thấy vậy, ông Đùng, bà Đùng liền ra tay. Chỉ một ngày, ông bà đã nhổ cây, san đất, làm thành cánh đồng bằng phẳng, rộng rãi, lấy chỗ cho dân ở và cày cấy.
Ông Đùng bàn với vợ làm một con đường dẫn nước đi, tránh để nước tràn lênh láng. Ông Đùng lom khom dùng tay bới đất đằng trước, bà Đùng hì hụi vét đất đằng sau. Họ làm việc suốt ngày đêm, cùng trò chuyện vui vẻ. Thế rồi, theo con đường ông bà Đùng đào bới, nước đã chảy thành dòng, vượt qua đồi núi, đổ về xuôi. Đó chính là sông Đà ngày nay.
Xong mọi việc, ông bà Đùng ngẩng đầu nhìn lại mới biết: Do vét đất ban đêm, không nhìn rõ, dòng sông đã không thẳng. Nơi chưa được vét, đất đá cản trở dòng chảy và tạo thành thác ghềnh. Vì thế, sông Đà mới ngoằn ngoèo, có tới “trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh” như bây giờ.
Câu chuyện “Sự tích ông Đùng, bà Đùng”
– Truyện cổ dân tộc Mường –