Ở làng Long Động, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, ai cũng gọi Mạc Đĩnh Chi là Trạng Sách. Chi được dân gọi là trạng từ trước khi đỗ Trạng nguyên. Tiếng tăm của Chi lan truyền khắp vùng từ khi chưa đi học. Lúc ấy, thấy các bạn cùng tuổi đến trường, Chi thường lén theo. Thầy giảng ở trong nhà, Chi đứng nép ngoài hiên, nghe đâu thuộc đấy. Tất nhiên Chi thuộc lời, còn mặt chữ thì chịu. Chi tìm cách đổi lấy chữ của bạn.
Làng Long Động nằm bên sông Kinh Thầy. Sông có lắm cá. Chi thường lặn lội bắt cá. Chi mang cá đến đổi cho bạn, mỗi con cá Chi đổi lấy một chữ. Đổi vài hôm các bạn đã hết cả chữ. Chi làm được thơ, thơ về vạn chài ven sông Kinh. Các thầy đồ từ đấy nhận Chi vào học. Chi rất sung sướng. Chi đi học rất đều. Đi chăn trâu, Chi rủ bạn chơi trò đố chữ. Nằm duỗi thẳng tay chân là chữ gì? Chữ “đại” đấy. Ngồi gác chân lên đầu gối là chữ gì? Chữ “ngũ”, bắt chân chữ ngũ mà? Trâu no cỏ, bài cũng ôn xong. Chi sáng trí, sử kinh đều thuộc. Lúc đầu Chi viết chữ xấu quá, nghe các bạn chê “người sao, chữ vậy” Chi khổ tâm lắm. Chi quyết tâm tập viết để đạt cả văn hay, chữ tốt.
Lớn lên Mạc Đĩnh Chi đỗ cao, nổi tiếng về tài ứng đối. Nhiều câu rất hay của Mạc Đĩnh Chi còn được lưu truyền đến tận ngày nay.
Câu chuyện “Trạng Sách đi học”
Dựa theo Nguyễn Văn Đức